Lập kỷ lục bán ra cả triệu tấn thép trong tháng 3, các đại gia thép đang ăn mừng lớn
Hơn 1 triệu tấn thép xây dựng được bán ra trong tháng 3 là mức tiêu thụ kỷ lục của ngành thép Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay.
Theo số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội thép Việt Nam VSA công bố ngày 9/4, trong tháng 3-2016, tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất thép đã tiêu thụ được lên đến xấp xỉ 1,012 triệu tấn, tăng đến 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, gần 962 ngàn tấn thép xây dựng đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 50 ngàn tấn dùng cho xuất khẩu.
Gần như tất cả các mặt hàng thép được tiêu thụ trong tháng 3 đều tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, quý I/2016, tổng lượng thép tiêu thụ đạt 2,021 triệu tấn, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường trong nước lên tới 1,92 triệu tấn.
Các doanh nghiệp Thép ăn mừng lớn
Nếu quyết định của Bộ Công thương làm mãn nguyện bước đầu các đại gia thép, thì kết quả kinh doanh tháng 3 xứng đáng để các doanh nghiệp này khui bia mở tiệc lớn.
Bởi Riêng tháng 3 đóng góp hơn 1/2 lượng tiêu thụ cả quý.
Doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ thép lớn nhất hiện nay đang thuộc về Tổng công ty thép miền Nam - CTCP (VNSteel), sản lượng bán ra quý I đạt gần 500.000 tấn, tương ứng 24,65% thị phần.
Đứng thứ hai là Tập đoàn Hòa Phát với xấp xỉ 400.000 tấn (tương ứng 19,54% thị phần).
Công ty CP thép Việt (Pomina) đứng thứ ba với sản lượng gần 238.000 tấn, tương 11,76% thị phần.
Vừa được Bộ Công thương "cứu", vừa có lực đẩy từ giá thép thế giới
Con số hơn 1 triệu tấn thép xây dựng được tiêu thu cao hơn gần 250 ngàn tấn so với mức 763 ngàn tấn mà VSA tạm tính vào thời điểm cuối tháng 3-2016.
Lý giải về điều này, VSA cho rằng “là do tác động tâm lý của các nhà đầu cơ tích trữ để đưa hàng ra cho các tháng sau bởi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của bộ Công thương”.
Cụ thể, đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ với mức thuế tương đối là 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày, sau đơn kêu cứu của một số doanh nghiệp thép.
Chưa hết, các mặt hàng nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ chính thức phải chịu thêm mức thuế nhập khẩu bổ sung (thuế tự vệ). Do đó thuế nhập khẩu đối với phôi thép Trung Quốc sẽ lên 33,3% và thép dài ở mức 29,2%.
Sau quyết định của Bộ Công thương, giá thép trong nước cũng như nhập khẩu đều gia tăng. Theo đó, giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100 USD/tấn.
Ngoài ra, quyết định của Bộ Công thương được đưa ra cùng lúc với thời điểm giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cao trở lại (đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ tết nguyên đán tại Trung Quốc), càng góp phần đẩy giá thép trong nước tăng cao.