Sau áp thuế, giá và sản lượng tiêu thụ thép tăng 'chóng mặt'
Sau khi Bộ Công Thương chính thức áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, giá và sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 đã tăng mạnh. Chỉ trong tháng 3, sản lượng tiêu thụ thép đạt hơn 1 triệu tấn.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong tháng 3, tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất đã tiêu thụ đạt 1,011 triệu tấn, tăng hơn 55,2 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có khoảng 50.000 tấn thép xây dựng được xuất khẩu, còn lại 962.000 tấn được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Nếu tính chung thì trong quý 1/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa lên tới 1,92 triệu tấn, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh mặt hàng thép thì lượng sản xuất và tiêu thụ tôn cũng tăng đáng kể. Cụ thể, đã có gần 355.000 tấn tôn mạ/sơn phủ màu được các doanh nghiệp sản xuất, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ tôn đạt khoảng 263.000 tấn, tăng 66% so với tháng 3.2015.
Về giá cả, đối với phôi thép, thời điểm đầu năm 2016, khu vực phía Bắc có mức giá khoảng 6,9-7,2 triệu đồng/tấn, phía Nam khoảng 6,9-7,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện tại, giá thép được điều chỉnh tăng ở mức khoảng 8,2-8,3 triệu đồng/tấn. Ở TP.HCM, mức giá này khoảng 8,1 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, đối với thép xây dựng, đầu năm nay, mức giá tại miền Bắc dao động từ 8,9 – 9,6 triệu đồng/tấn. Khu vực miền Nam có giá từ 8,6 – 8,9 triệu đồng/tấn. Hiện nay, giá thép đã được điều chỉnh tăng ở cả 2 thị trường. Tại khu vực miền Bắc, thép xây dựng phổ biến ở mức giá từ 9,3-10,2 triệu đồng/tấn, còn khu vực phía Nam là 9,2-9,3 triệu đồng/tấn.
Lý giải về việc giá thép tăng mạnh, Hiệp hội thép VN nói rằng do giá nguyên liệu sản xuất thép đang nhích lên. Được biết, giá nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới đột ngột tăng mạnh đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ tết nguyên đán tại Trung Quốc.
Giá quặng sắt đã tăng liên liên tục sau tết và thời điểm cao nhất đạt mức 62,70 USD/tấn, hiện ở khoảng 55 USD/tấn. Cùng với sự tăng giá mạnh của quặng sắt, phôi thép CFR Đông Nam Á tăng từ mức dưới 250 USD/tấn cuối năm 2015, sau tết lên 265 USD/tấn và hiện đã tăng lên mức 320 USD/tấn.
Các mặt hàng thép thành phẩm xuất khẩu khu vực Đông Nam Á đầu năm ở mức 257 USD/tấn, hiện đã tăng lên mức khoảng 323 USD/tấn. Một loạt các nguyên liệu như thép phế cũng tăng 45-55USD/tấn, thép cuộn cán nóng cũng tăng mạnh lên 80-90USD/tấn so với cuối năm 2015.
Không những vậy, nhu cầu trong nước đang tốt và đã bắt đầu bước vào mùa xây dựng cũng là nguyên nhân khiến thép tăng giá.
Đặc biệt, Hiệp hội thép VN nhận định tâm lý đầu cơ của các nhà thương mại do tác động bởi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đó, ngày 22.3, Việt Nam đã chính thức áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu lần lượt là 23,3% và 14,2% theo quyết định 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Chính sách này áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày và được đánh giá là có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu. Đồng thời, mức thuế trên phần nào "cứu" doanh nghiệp thép trong nước giảm bớt áp lực cạnh tranh và khiến các sản phẩm thép nhập khẩu không còn “lộng hành” như trước.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc áp thuế, giá thép trên thị trường đã tăng “chóng mặt”. Trước tình trạng giá thép tăng mạnh, Hiệp hội Thép VN đã lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp thép cần tăng cường sản xuất để bình ổn giá thép trên thị trường.