Thép nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng mạnh. Ngành thép trong nước tiếp tục phải đối mặt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc với giá rẻ.

Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 62,18% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm, có tới 2,84 triệu tấn sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá trên 1,03 tỷ USD. Cả lượng và giá trị tăng mạnh lần lượt 687% và 266% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tuy lượng sắt thép nhập từ một số nước như Nga, Pháp, Phần Lan,… có tăng mạnh song Việt Nam vẫn nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 62,18% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước, trị giá 1,77 triệu tấn. Ngành thép trong nước tiếp tục phải đối mặt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt từ nước này.

Tuy nhiên, thị trường thép trong nước vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, hoạt động sản xuất các sản phẩm thép và tiêu thụ trên thị trường vẫn tăng mạnh, giá bán đã bớt biến động.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay, giá thép trong nước đã hạ nhiệt, giảm 100.000 – 200.000 đồng/tấn chứ không còn tăng cao hoặc khan hiếm hàng như thời điểm giữa tháng 3, khi tình trạng đầu cơ gia tăng để đón đầu biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi và thép nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 22/3.

Hiệp hội Thép cũng cho rằng, nhu cầu thép của Việt Nam năm 2016 không tăng đột biến so với năm 2015 do năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đủ khả năng cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thép xây dựng đang dư thừa rất nhiều.

Trước đó vào ngày 7/3, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/3/2016 và được áp dụng trong thời gian 200 ngày.

Trở lại